Nghiên cứu từ khóa

Keyword Research: Cách nghiên cứu từ khóa SEO hiệu quả 2024

  • Một trong những yếu tố quyết định thành công của dự án SEO là nghiên cứu từ khóa.

    Nghiên cứu từ khóa giúp bạn hiểu được nhu cầu và hành vi tìm kiếm của khách hàng mục tiêu từ đó xây dựng nội dung phù hợp và tối ưu hóa website để có thể cạnh tranh với đối thủ trên Google.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nghiên cứu và phân tích từ khóa một cách chính xác và hiệu quả. 

    Nếu làm sai bước này, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mà vẫn không đạt được kết quả mong muốn.

    Trong bài viết này, Tôi sẽ hướng dẫn cho bạn từng bước cách nghiên cứu từ khóa SEO cho bất kỳ dự án nào. 

    Bạn sẽ học được những kiến thức cơ bản và nâng cao về nghiên cứu từ khóa, các công cụ hỗ trợ và các mẹo thực hành để tìm ra những từ khóa tiềm năng nhất cho website của mình.

    Hãy cùng bắt đầu nhé!

    Nếu bạn không muốn đọc hết bài viết này thì có thể xem video hướng dẫn:

    Khái niệm cơ bản về nghiên cứu từ khóa

    Nghiên cứu từ khóa là gì? Và tại sao nó lại quan trọng khi làm SEO?

    Đó là những điều cơ bản mà bạn cần biết trước khi bắt tay vào các bước thực hiện nghiên cứu từ khóa cho website của mình. 

    Trong phần này Tôi sẽ chia sẻ cho bạn những khái niệm cơ bản về nghiên cứu từ khóa & vai trò của nó trong quá trình tối ưu hóa website với công cụ tìm kiếm.

    Nếu bạn đã có nền tảng cơ bản về nghiên cứu từ khóa, bạn có thể bỏ qua phần này và hãy tiếp tục với các phần sau.

    Từ khóa là gì?

    Từ khóa hay còn gọi là Keyword là 1 từ hoặc một cụm từ mà người dùng nhập trên thanh công cụ tìm kiếm để tìm kiếm một sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin nào đó mà họ mong muốn nhận được kết quả giải quyết được vấn đề của họ

    Ví dụ: khi tôi tìm kiếm trên google “phần mềm seo

    Thì từ “phần mềm seo” chính là từ khóa.

    Ví dụ về từ khóa
    Ví dụ về từ khóa

    Từ khóa là yếu tố then chốt khi SEO website, vì nó liên quan tới hầu hết các công việc SEO website.

    Ngoài ra từ khóa cũng giúp bạn hiểu được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm & dịch vụ của bạn trên Google. 

    Bạn cần chọn từ khóa thích hợp cho mục tiêu và đối tượng khách hàng của mình. Tránh việc target sai đối tượng khách hàng và lãng phí nguồn lực.

    Nghiên cứu từ khóa là gì?

    Nghiên cứu từ khóa hay còn gọi là Keyword Research là quá trình thu thập và khám phá, phân tích các từ và cụm từ (keyword) mà người dùng nhập vào các công cụ tìm kiếm. 

    Từ dữ liệu khám phá và phân tích ở trên bạn sẽ hiểu hơn và hành vi khách hàng & lên kế hoạch triển khai content phù hợp và tối ưu hóa website để đạt được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm để thu hút tệp khách hàng mục tiêu này.

    Quy trình nghiên cứu từ khóa trải qua các bước sau:

    • Bước 1: Xác định seed keyword
    • Bước 2: Thu thập dữ liệu từ khóa
    • Bước 3: Lọc từ khóa không liên quan
    • Bước 4: Phân loại từ khóa theo Topic
    • Bước 5: Gom nhóm từ khóa chung ý định tìm kiếm (keyword grouping)
    • Bước 6: Xác định URL đích

    Tầm quan trọng của nghiên cứu từ khóa trong SEO 

    • Nghiên cứu từ khóa là yếu tố then chốt khi SEO website, vì nó ảnh hưởng đến mọi hoạt động SEO khác như tạo dựng content, SEO Onpage, xây dựng backlinktechnical SEO
    • Nghiên cứu từ khóa giúp bạn tránh được những sai lầm khi chọn những từ khóa không phù hợp với mục tiêu, đối tượng và nội dung của website.
    • Nghiên cứu từ khóa cũng giúp bạn xây dựng nội dung chất lượng cao và cấu trúc website tốt hơn. 
    • Ngoài ra, bạn còn có thể hiểu được thị trường mục tiêu và cơ hội cạnh tranh của website. 
    • Thực hiện nghiên cứu từ khóa bài bản sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí làm SEO.
    •  Nghiên cứu từ khóa là công việc thiết yếu cho những ai làm SEO/SEM và quảng cáo Google Ads.

    Những sai lầm khi nghiên cứu từ khóa

    Mặc dù nghiên cứu từ khóa tưởng chừng là một công việc hết sức đơn giản và dễ dàng nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện.

    Trong quá trình làm đào tạo SEO, Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp phải đập website đi xây lại chỉ vì làm sai bước keyword research này.

    Có những người viết cả 1000 bài viết trên website nhưng không đạt được kết quả SEO như mong muốn.

    Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi thực hiện nghiên cứu từ khóa:

    • Không sử dụng các từ khóa phù hợp với loại nội dung: Bạn nên chọn các từ khóa phù hợp với loại nội dung mà bạn muốn tạo ra, ví dụ như bài viết blog, sản phẩm, dịch vụ, danh mục sản phẩm,… để bạn có thể thu hút được người dùng đúng đối tượng và đúng ý định.
    • Không xem xét đối thủ cạnh tranh: Bạn nên phân tích các từ khóa mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang sử dụng và xếp hạng cao trên kết quả tìm kiếm, để tìm ra những cơ hội và thách thức cho website của bạn.
    • Không phân tích ý định của người dùng: Bạn nên hiểu được người dùng đang tìm kiếm gì và mong muốn gì khi sử dụng các từ khóa nhất định, để bạn có thể tạo ra nội dung phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của họ.
    • Không biết gom nhóm từ khóa chung ý định tìm kiếm: từ đó bạn viết quá nhiều bài viết target chung một ý định tìm kiếm, dẫn tới website bị ăn thịt từ khóa và có khả năng bị Google Panda phạt, ngoài ra bạn còn tốn rất nhiều bài viết nhưng không hiệu quả.

    Bản chất của việc nghiên cứu từ khóa

    Vậy tại sao nhiều Seoer lại mắc phải những sai lầm trên?

    Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, do trên internet có khá nhiều bài chia sẻ về “hướng dẫn nghiên cứu từ khóa seo” nhưng những kiến thức này đa phần đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

    Hoặc một số người làm SEO lâu năm không update kiến thức mới hậu quả là anh em thực hiện nghiên cứu từ khóa theo cách cũ dẫn tới nhiều hệ lụy cho website.

    Để không mắc phải những sai lầm trên, bạn phải hiểu bản chất thật sự của việc nghiên cứu từ khóa là gì? 

    Mỗi keyword đều ẩn giấu một “ý định” tìm kiếm

    Rất nhiều người lầm tưởng rằng keyword research là sử dụng các công cụ thu thập từ khóa và volume tìm kiếm là xong, trên thực tế nếu bạn làm như vậy thì bạn chỉ mới hoàn thành 1 công đoạn nhỏ trong quá trình nghiên cứu từ khóa thôi.

    Mỗi keyword đều phản ánh một nhu cầu, một mong muốn hoặc một vấn đề của người dùng. 

    Khi hiểu được Search Intent của người dùng, bạn có thể tạo nội dung phù hợp và hữu ích cho họ.

    Ví dụ: khi bạn search từ khóa “ấm siêu tốc loại nào tốt” bạn mong muốn nhìn thấy nội dung gì?

    • Tìm hiểu về các loại ấm siêu tốc, cấu tạo, nguyên lý hoạt động và công dụng.
    • Tìm kiếm và so sánh các ấm siêu tốc theo thương hiệu, chất liệu, công suất, tính năng và giá cả.
    • Tìm kiếm và mua ấm siêu tốc phù hợp với nhu cầu và ngân sách.
    Kết quả tìm kiếm từ khóa "ấm đun siêu tốc loại nào tốt"
    Kết quả tìm kiếm từ khóa “ấm đun siêu tốc loại nào tốt”

    Có phải bạn đang muốn tìm kiếm và so sánh các ấm siêu tốc theo thương hiệu, chất liệu, công suất, tính năng và giá cả.

    Vậy khi tìm từ khóa “ấm siêu tốc giá rẻ” thì sao?

    → Có phải bạn đã có ý định mua sản phẩm này và chỉ chọn mẫu mã & nhà bán hàng uy tín mà thôi!!

    Từ 2 ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng:

    Đằng sau mỗi từ khóa khi người dùng search trên google là một ý định tìm kiếm của họ! Điều này có nghĩa là nếu bạn chọn đúng từ khóa có ý định tìm kiếm là mua sản phẩm thì bạn sẽ tăng tỉ lệ chuyển đổi của mình lên rất nhiều.

    Ngoài ra việc xác định đúng ý định tìm kiếm sẽ giúp bạn tạo dựng được content đáp ứng được ý định tìm kiếm của người dùng.

    Điều này đồng nghĩa với việc nội dung của bạn giải quyết được vấn đề của người dùng, từ đó content của bạn sẽ dễ dàng đạt thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm.

    Đây chính là một trong những bản chất của việc nghiên cứu từ khóa. Vậy, căn cứ vào đâu để nhận biết ý định tìm kiếm của các từ khóa?

    Keyword Modifier – Bí quyết để hiểu ý định tìm kiếm của người dùng

    Keyword modifier là một từ hoặc nhóm từ mà bạn thêm vào từ khóa chính của mình để làm cho nó cụ thể và hướng đến mục tiêu hơn.

    Keyword modifier có thể là các từ chỉ:

    • Vị trí
    • Giá cả
    • Chất lượng
    • Thời gian
    • Màu sắc
    • Kích thước

    Hoặc bất kỳ thuộc tính nào khác liên quan đến từ khóa chính của bạn $$

    Sơ đồ phân tích một từ khóa Keyword Modifier
    Sơ đồ phân tích một từ khóa Keyword Modifier

    Một từ khóa sẽ bao gồm 2 thành phần:

    • Head (phần gốc): là phần chính của từ khóa, thường là một từ đơn hoặc một cụm từ ngắn.

    Ví dụ: Dù người dùng có tìm kiếm “ấm siêu tốc loại nào tốt” hay “ấm siêu tốc giá rẻ” đi nữa thì tìm kiếm đó vẫn xoay quanh “ấm siêu tốc” mà thôi, lúc này từ khóa “ấm siêu tốc” chính là head keyword.

    • Modifier (phần bổ nghĩa): là một loại từ khóa mà bạn thêm vào để làm cho từ khóa chính của bạn cụ thể và hướng đến mục tiêu hơn. Modifier keyword giúp bạn thay đổi một khía cạnh của từ khóa chính mà không làm thay đổi ý nghĩa của nó.

    Ví dụ: Nếu từ khóa chính của bạn là “ấm siêu tốc” thì bạn có thể thêm các modifier keyword như “ấm siêu tốc giá rẻ”, “ấm siêu tốc loại nào tốt”,  để tạo ra các từ khóa dài hơn và phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng. 

    Những từ như “loại nào tốt”, “giá rẻ” là những modifier keyword giúp bạn tìm kiếm chính xác hơn những gì bạn muốn.

    Xác định Search Intent bằng Modifier Keyword 

    Modifier Keyword thường được chia thành từng nhóm riêng biệt và phù hợp với mục đích tìm kiếm khác nhau:

    Sử dụng Modifier Keyword để xác định Search Intent
    Sử dụng Modifier Keyword để xác định Search Intent

    Ví dụ: từ khóa “ấm siêu tốc

    • Ý định tìm hiểu thông tin bao gồm các từ khóa: sửa ấm siêu tốc, ấm siêu tốc không vào điện.
    • Có ý định review bao gồm các từ khóa: ấm siêu tốc tốt nhất, ấm siêu tốc sunhouse có tốt không.
    • Ý định mua hàng bao gồm các từ khóa: mua ấm siêu tốc, mua ấm siêu tốc mini, …

    Việc hiểu ý định tìm kiếm của từng từ khóa sẽ giúp cho bạn tạo dựng content phù hợp & đáp ứng được search intent của người dùng, đồng thời cũng giúp bạn gia tăng chuyển đổi trên website của mình.

    Tôi tin rằng bây giờ bạn đã nắm được chính xác:

    • Cấu trúc của từ khóa.
    • Cách phân loại từ khóa phù hợp với search intent của người dùng.

    Phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước nghiên cứu từ khoá hiệu quả, bạn sẽ biết cách phân loại, ước lượng tỉ lệ chuyển đổi và phân bố thứ tự ưu tiên triển khai từ khoá của mình!

    Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa từ A – Z

    Không lý thuyết dài dòng nữa, trong phần này tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nghiên cứu từ khóa hiệu quả: như là tìm ý tưởng từ khóa, thu thập dữ liệu, gom nhóm & phân loại từ khóa khi triển khai SEO cho dự án của mình.

    Ngoài ra tôi còn chia sẻ cho bạn một số mẹo để tìm ra các từ khóa có độ cạnh tranh thấp giúp bạn tiết kiệm thời gian và ngân sách nhưng vẫn đạt được kết quả tốt.

    Bước 1: Xác định từ khóa hạt giống (seed keyword)

    Nghiên cứu từ khóa bắt đầu từ việc bạn đặt mình vào vị trí của khách hàng.

    Họ sẽ dùng những từ và cụm từ nào để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ? 

    Bạn hãy nhập những từ và cụm từ đó vào một công cụ nghiên cứu từ khóa như Google keyword planner hay Ahref hoặc Semrush, Sonatools…

    Và bạn sẽ tìm thấy hàng ngàn ý tưởng từ khóa liên quan hơn so với những gì bạn vừa nghĩ ra.

    Đây là một quy trình đơn giản, nhưng bạn cần có hai điều để làm tốt:

    1. Kiến thức tốt về ngành của bạn
    2. Hiểu cách hoạt động của các công cụ nghiên cứu từ khóa

    Đó chính là những gì ở phần này sẽ nói đến.

    Đưa ra các “từ khóa hạt giống” là điểm khởi đầu của quy trình nghiên cứu từ khóa. 

    Chúng xác định lĩnh vực và giúp bạn nhận biết đối thủ cạnh tranh của mình.

    Mọi công cụ nghiên cứu từ khóa đều yêu cầu bạn nhập một từ khóa vào, sau đó công cụ sẽ giúp bạn tạo ra một danh sách lớn các từ khóa phụ liên quan tới từ khóa hạt giống của bạn (chúng ta sẽ nói rõ hơn ở bước tiếp theo).

    Nếu bạn đã có một sản phẩm/ dịch vụ quảng bá trên Google, thì việc tìm ra từ khóa hạt giống rất dễ dàng. 

    Chỉ cần nghĩ về những gì mà người dùng gõ vào Google để tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

    Ví dụ, nếu bạn cung cấp “dịch vụ cho thuê xe limousine tại khu vực phí nam & bán vé xe đi vũng tàu” thì từ khóa chính của bạn có thể là:

    • xe limousine
    • vé xe đi vũng tàu

    Lưu ý rằng từ khóa hạt giống chưa hẳn là những từ khóa mà bạn sẽ nhắm đến với trang web của mình. 

    Như tên gọi, bạn sẽ sử dụng chúng làm “hạt giống” cho các bước tiếp theo trong quy trình này. 

    Vì vậy, đừng quá bị ám ảnh với từ khóa hạt giống của bạn. Bạn chỉ cần vài giây để xác định chúng.

    Ngay khi bạn có một số ý tưởng rộng liên quan đến chủ đề của website, hãy chuyển sang bước tiếp theo.

    Bước 2: Thu thập dữ liệu

    Sau khi có từ khóa hạt giống bạn cần phải thu thập dữ liệu cho bộ từ khóa của mình bằng cách sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để trích xuất ra các từ khóa liên quan.

    Trong hướng dẫn này tôi sẽ sử dụng công cụ Sonatools để thực hiện.

    Đăng nhập vào tài khoản Sonatools của bạn, sau đó chọn tính năng “Keyword Explorer

    Ở phần trên chúng ta đã xác định 2 head keyword là: xe limousine và vé xe đi vũng tàu.

    Trong phần này chúng ta sẽ lần lượt đi thu thập dữ liệu cho cả 2 head keyword này:

    Đăng nhập vào SonaTools và chọn tính năng Keywords Explorer
    Đăng nhập vào SonaTools và chọn tính năng Keywords Explorer

    * Lưu ý: mỗi lần Sonatools cho pháp nhập tối đa 10 head keyword vào ô Enter keyword trong tính năng Keyword Explorer của Sonatools thôi.

    Nhập từ khóa vào SonaTools và tìm kiếm
    Nhập từ khóa vào SonaTools và tìm kiếm

    Nhập 1 từ khóa hạt giống vào ô Enter keyword → chọn quốc gia Việt Nam (do tôi đang nghiên cứu từ khóa ở thị trường Việt Nam

    Nếu bạn nghiên cứu từ khóa ở quốc gia khác thì tùy chọn quốc gia mà bạn target tới): → click chuột vào nút Tìm kiếm.

    Sonatools sẽ trả về cho bạn một biểu đồ lưu lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan của bạn như hình dưới:

    Kết quả nghiên cứu từ khóa từ SonaTools
    Kết quả nghiên cứu từ khóa từ SonaTools

    Bạn hãy tiếp tục kéo chuột xuống dưới công cụ trả về cho bạn tất cả các từ khóa liên quan tới từ khóa hạt giống:

    Tiếp tục kéo xuống để xem dữ liệu từ khóa chi tiết
    Tiếp tục kéo xuống để xem dữ liệu phân tích từ khóa chi tiết

    Tại bảng từ khóa này bạn có thể tùy chọn các bộ lọc để loại bỏ các từ khóa không có volume hoặc volume tìm kiếm rất thấp đi.

    Ngoài ra bạn cũng có thể tùy chỉnh bộ lọc nâng cao để loại bỏ các từ khóa không liên quan tới sản phẩm và dịch vụ của bạn.

    Như ở đây tôi sẽ tùy chọn bộ lọc “Exclude”:

    Lọc từ khóa
    Lọc phân tích từ khóa

    Bộ lọc nâng cao loại bỏ các từ khóa không liên quan tới sản phẩm dịch vụ của tôi

    • hà nội
    • hải phòng
    • đà nẵng
    • quảng ninh
    • ninh bình
    • thái bình
    • hoa mai
    • huy hoàng
    • nguyễn kim
    • vũ linh

    Các từ khóa mà tôi loại bỏ vì chúng có tên các thương hiệu khác, và tôi cũng không cung cấp dịch vụ ở địa phương này.

    Việc tiếp theo là xuất dữ liệu từ khóa ra file Excel:

    Xuất dữ liệu từ khóa từ SonaTools sang Excel
    Xuất dữ liệu từ khóa từ SonaTools sang Excel

    Bước này khá quan trọng, thế nên bạn cần phải research keyword thật kĩ nhé, nếu không research kĩ thì rất dễ bỏ qua nhiều từ khóa quan trọng trong chủ đề SEO của bạn

    Nhiều dự án tôi research keyword với 3 4 lần để có thể lấy được toàn bộ data từ khóa trong thị trường mục tiêu đang muốn triển khai SEO.

    Lúc này dữ liệu trả về khá nhiều:

    Dữ liệu từ khóa từ Excel
    Dữ liệu từ khóa từ Excel

    Chúng ta phải loại bỏ một số dữ liệu không cần thiết và giữ lại 2 cột sau:

    • Từ khóa
    • Volume
    Loại bỏ các cột dữ liệu không cần thiết và giữ lại 2 cột quan trọng
    Loại bỏ các cột dữ liệu không cần thiết và giữ lại 2 cột quan trọng

    Bước 3: Lọc dữ liệu đã thu thập

    Mặc dù ở bước thu thập dữ liệu chúng ta đã loại bỏ một số từ khóa không liên quan, nhưng vẫn sẽ còn sót lại rất nhiều từ khóa không liên quan.

     Chính vì vậy chúng ta cần phải lọc thủ công lại một lần nữa để loại bỏ những từ khóa này:

    Chọn bộ lọc trên file Google sheet
    Chọn bộ lọc trên file Google sheet

    Đầu tiên bạn hãy click chọn biểu tượng bộ lọc

     → Chọn lọc theo điều kiện 

    → Văn bản bao gồm

     → Điền modifier keyword muốn lọc (trong trường hợp này modifier keyword là “Nam”) 

    → Nhấn “OK”

    Điền các Keyword Modifier vào bộ lọc và nhấn "OK"
    Điền các Keyword Modifier vào bộ lọc và nhấn “OK”

    Sau khi tùy chỉnh bộ lọc trong file Google sheet thì tất cả các modifier keyword là “Nam” sẽ được show ra, việc còn lại của chúng ta là xóa bỏ các từ khóa không liên quan này là xong.

    Xóa bỏ các từ khóa không liên quan
    Xóa bỏ các từ khóa không liên quan

    Như từ đầu tôi đã xác định dự án này tôi chỉ cung cấp  “dịch vụ cho thuê xe limousine tại khu vực phí nam & bán vé xe đi vũng tàu” cho nên tất cả các modifier keyword trên đều không liên quan tới dự án của tôi.

    Chính vì vậy chúng ta sẽ phải xóa đi những modifier keyword này!!

    Cứ tiếp tục lọc như vậy cho tới khi loại bỏ hoàn toàn các từ khóa không liên quan tới sản phẩm/ dịch vụ của bạn là xong.

    * Lưu ý: Bước này bạn nên làm thật tỉ mỉ để loại bọ các từ khóa thương hiệu của đối thủ & các từ khóa local mà mình không cung cấp dịch vụ.

    Bước 4: Phân loại topic cho bộ từ khóa

    Bước này cực kỳ quan trọng, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kế hoạch SEO của bạn, trong quá trình triển khai SEO và đi đào tạo SEO tôi thấy đa số các bạn làm sai ở bước này dẫn tới kết quả SEO không tốt.

    Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn 2 cách để phân loại Topic cho bộ từ khóa, vào việc nào!!!

    Cách 1: Phân loại topic cho từ khóa bằng tools chạy bằng cơm

    Ở bước trên thì bạn đã có một bộ từ khóa khá hoàn chỉnh rồi, giờ thì chúng ta sẽ chuyển qua bước phân loại từ khóa theo topic.

    Trước khi hướng dẫn bạn phân loại topic thì mình cần bạn hiểu Topic là gì?

    Và tại sao bạn phải phân loại từ khóa theo Topic.

    • Topic đơn giản được hiểu là chủ đề của nhóm từ khóa

    Trong một chủ đề lớn sẽ có rất nhiều chủ đề con, mỗi chủ đề con này đại diện cho những ý định tìm kiếm gần giống nhau và được hiểu là một Topic

    Ví dụ: ở bộ từ khóa trên về xe limousine mặc dù có rất nhiều từ khóa về:

    • thuê xe
    • vé xe

    Như:

    • thuê xe limousine
    • thuê xe limousine đi vũng tàu
    • thuê xe limousine đi phan thiết
    • vé xe limousine
    • vé xe limousine đi vũng tàu

    Nhưng thực chất chúng chỉ có 2 search intent chính là:

    • Thuê xe
    • Vé xe

    Vì vậy trong bộ từ khóa trên sẽ có 2 Topic chính.

    • Mục đích của việc phân loại topic

    Việc phân loại Topic cho từ khóa có nhiều mục đích khác nhau như:

    • Nếu trong một bộ key có nhiều topic mà chỉ group keyword sau này muốn lọc 1 topic nào đó thì sẽ khó, nên cần phần loại, sau này muốn lọc topic nào để audit thì cũng dễ dàng hơn.
    • Hạn chế tạo nhiều file để dễ dàng trong khâu quản lý dự án.
    • Người lead dự án nắm được dự án mình đang có những topic nào, để có thể ưu tiên triển khai topic nào trước ở từng giai đoạn của dự án.
    • Ưu tiên các topic có nhiều từ khóa hơn để triển khai content để đảm bảo độ chuyên sâu của website về một chủ đề nào đó.

    Rồi rồi không dài dòng văn tự nữa nhé!! mình sẽ đi vào hướng dẫn bạn phân loại topic từ khóa luôn nào.

    • Nhận diện head topic

    Để có thể phân loại từ khóa theo topic thì bạn phải nhận diện được head topic.

    Chà nghe thuật ngữ head topic có vẻ màu mè hoa lá hẹ nhỉ, nhưng đừng lo phần này cũng đơn giản thôi bạn ạ!

    • Bước 1: Lọc nhanh cột Volume từ Z – A.

    * Xem keyword volume cao nhất để nhận diện (nên check từ 10-15 keyword đầu tiên)

    • Bước 2: Xem tổng thể bộ keyword, xem có từ khóa nào nhận thấy khác biệt hoàn toàn thì sẽ Search trên Google để check lại
    • Bước 3: Đánh dấu hoặc note lại các topic khác nhau như ảnh:
    Phân loại topic cho bộ từ khóa
    Phân loại topic cho bộ từ khóa

    Sau khi check lại thì kết quả được 2 Topic chính sau: 

    • Topic 1: thuê xe limousine 
    • Topic 2: vé xe

    Tương tự các topic còn lại làm giống video hướng dẫn.

    Phân loại vào cột “Topic”: tên Topic điền keyword chính, có volume cao nhất.

    Điền tên topic là từ khóa có volume cao nhất
    Điền tên topic là từ khóa có volume cao nhất

    VD: Bộ keyword mẫu 

    1. Topic 1: Xác định head keyword ở đây là “thuê”, bạn chỉ cần lọc từ khóa “thuê” ở cột C. Sau đó phân loại vào cột E.
    2. Topic 2: “vé xe”, tiếp tục lọc từ “vé xe”, Sau đó phân loại vào cột E.

    * Lưu ý: Ở bước này chỉ phân loại keyword vào Head Topic nên bộ keyword chưa được gom nhóm cụ thể ra từng bài viết.

    Sau khi phân loại hết các topic rồi thì tiến hành gom nhóm từ khóa chung ý định tìm kiếm (keyword grouping).

    • Gom nhóm từ khóa (keyword grouping)

    Đã qua rồi cái thời spam bài viết, cứ mỗi 1 từ khóa là viết 1 bài.

    Hiện tại Google đã rất thông minh, Google có thể hiểu được ý định tìm kiếm đằng sau mỗi từ khóa.

    Nếu bạn còn làm theo cách cũ, mỗi từ khóa viết 1 bài thì khả năng cao là bạn sẽ khó lòng cạnh tranh trên top Google.

    Ngoài ra việc gom nhóm từ khóa chuẩn cũng giúp bạn có thể SEO hàng 1000 từ khóa trên 1 bài viết, giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên khi triển khai 1 dự án SEO.

    Dữ liệu thống kê từ Google Search Console từ khóa công ty seo
    Dữ liệu thống kê từ Google Search Console từ khóa công ty seo

    Ví dụ: ở bài viết “công ty SEO” tôi đã lên top được 296 từ khóa.

    Tại sao vậy?

    Hiểu đơn giản thế này khi người dùng tìm kiếm từ khóa “công ty seo” và từ khóa “công ty seo uy tín” thì ý định tìm kiếm của họ đều giống nhau

    Họ đều muốn tìm kiếm danh sách các công ty seo uy tín

    Mẹo hay: bạn có thể search 2 từ khóa này trên google để kiểm tra, nếu đa số kết quả tìm kiếm của 2 từ khóa này là giống nhau thì Google đang hiểu 2 từ khóa này chung ý định tìm kiếm.

    Giờ thì bạn đã hiểu việc gom nhóm từ khóa chung ý định tìm kiếm là cực kỳ cần thiết và quan trọng rồi đúng không?

    Bắt đầu thực hiện thôi!!!

    Tương tự như phân loại topic ở trên tuy nhiên ở bước này bạn cần phải làm chi tiết hơn.

    Bước 1: Xác định từ khóa chính

    (Lưu ý: từ khóa chính thường là từ khóa có volume tìm kiếm cao nhất trong nhóm)

    Ví dụ từ khóa “xe limousine đi vũng tàu” có volume là 2900 và từ khóa “vé xe limousine đi vũng tàu” có volume là 320.

    → thì từ khóa chính là “xe limousine đi vũng tàu” ví volume lớn hơn.

    Tùy chọn bộ lọc của Google sheet để phân loại Keyword mmodifier.

    Ví dụ trong trường hợp này Keyword modifier là từ “vũng tàu” tôi sẽ lọc tất cả các từ khóa trong topic “xe limousine” có chứa từ “vũng tàu”.

    Lọc bỏ các từ khóa Keyword Modifier
    Lọc bỏ các từ khóa Keyword Modifier

    Tiếp theo bạn có thể research các từ khóa này để xem kết quả tìm kiếm Google có trả về kết quả giống nhau không?

    Ví dụ tôi research 2 từ khóa “xe limousine đi vũng tàu” và “vé xe limousine đi vũng tàu” thấy kết quả Google trả về khá giống nhau.

    Có nghĩa là 2 từ khóa này chung ý định tìm kiếm, có thể gom vào chung 1 nhóm.

    Ví dụ về 2 từ khóa có chung ý định tìm kiếm
    Ví dụ về 2 từ khóa có chung ý định tìm kiếm

    Tương tự như vậy với các từ khóa khác bạn sẽ có 1 bộ từ khóa hoàn chỉnh.

    Bộ từ khóa đã được phân loại theo topic
    Bộ từ khóa đã được phân loại theo topic

    * Lưu ý: việc gom nhóm từ khóa bằng tay cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn và việc này khá tốn thời gian đấy!!

    Cách 2: Phân loại topic cho từ khóa bằng Sonatools 

    Nếu bạn không có nhiều thời gian hoặc không muốn làm công việc nhàm chán này, bạn có thể sử dụng Sonatools để thực hiện gom nhóm từ khóa.

    Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Sonatools của bạn, sau đó chọn tính năng “Gom nhóm từ khóa

    Đăng nhập vào SonaTools và chọn công cụ Gom nhóm từ khóa
    Đăng nhập vào SonaTools và chọn công cụ Gom nhóm từ khóa

    Bước 2: Tạo nhóm  → Nhập tên nhóm → Tạo

    Tạo nhóm trên SonaTools
    Tạo nhóm trên SonaTools

    Sau đó bạn click chuột vào “Mở”.

    Click vào nhóm từ khóa vừa tạo
    Click vào nhóm từ khóa vừa tạo

    Nhập file từ khóa của bạn vào sau đó click vào nút “Bắt đầu

    Lưu ý: file từ khóa của bạn chỉ để 2 cột là “từ khóa” và “volume” còn các dữ liệu khác sẽ xóa đi nhé!!

    Up file dữ liệu lên và chọn bắt đầu
    Up file dữ liệu lên và chọn bắt đầu

    Việc của bạn bây giờ là ngồi chờ khoảng 60s để công cụ Sonatools tiến hành phân tích và gom nhóm từ khóa.

    Sau khi gom nhóm xong thì Sonatools sẽ trả về kết quả như hình:

    Kết quả gom nhóm từ khóa từ SonaTools
    Kết quả gom nhóm từ khóa từ SonaTools

    Việc của bạn là click vào nút “Export kết quả” là xong.

    Bộ từ khóa đã được gom nhóm bằng SonaTools
    Bộ từ khóa đã được gom nhóm bằng SonaTools

    Bây giờ thì bạn đã có 1 bộ từ khóa được gom nhóm theo search intent chuẩn rồi nhé!

    Việc tiếp theo của bạn là lên content cho bộ từ khóa này.

    Mẹo lựa chọn từ khóa hiệu quả

    Tôi sẽ chia sẻ cho bạn 3 mẹo lựa chọn từ khóa thông minh và hiệu quả đó là:

    • Tập trung vào nhóm từ khóa có nhiều từ khóa phụ

    Việc này sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được nhiều chi phí làm content hơn, mang lại hiệu quả SEO tốt hơn.

    Ví dụ: 

    • Nhóm 1 có 60 từ khóa có chung ý định tìm kiếm
    • Nhóm 2 có 7 từ khóa có chung ý định tìm kiếm
    Tập trung vào nhóm có nhiều từ khóa phụ
    Tập trung vào nhóm có nhiều từ khóa phụ

    → Bạn hãy ưu tiên nhóm 1 vì bạn tập trung đẩy SEO lên top từ khóa chính sẽ kéo theo 59 từ khóa phụ lên top cùng, tuy nhiên bạn cũng chỉ mất 1 bài viết để SEO được số lượng từ khóa này.

    • Ưu tiên các nhóm từ khóa có độ cạnh tranh thấp

    Đối với 1 website mới thì việc target các từ khóa có độ cạnh tranh cao sẽ rất khó, thay vì vậy bạn hãy tập trung vào các từ khóa có độ cạnh tranh thấp, bạn sẽ dễ dàng lên top hơn.

    Để xác định mức độ cạnh tranh tôi thường check toán tử tìm kiếm allintitle:

    Check Allintitle trên SonaTools
    Check Allintitle trên SonaTools

    Bạn có thể xem bài viết: Allintitle là gì? Cách sử dụng Allintitle kéo hàng nghìn traffic hiệu quả để biết cách chọn từ khóa phù hợp.

    • Ưu tiên từ khóa chuyển đổi cao

    Mục tiếp cuối cùng của doanh nghiệp khi đầu tư vào SEO là để bán hàng, thế nên bạn hãy tập trung vào nhóm từ khóa có khả năng chuyển đổi cao, để gia tăng được tỉ lệ mua hàng

    Đây cũng là 1 chiến lược tôi cũng thường hay tư vấn và triển khai cho các khách hàng sử dụng dịch vụ SEO của SEOSONA.

    Kết luận về nghiên cứu từ khóa

    Trong bài viết này tôi đã hướng dẫn chi tiết  về cách nghiên cứu từ khóa (keyword research).

    Hy vọng rằng sau khi đọc hết bài viết này, bạn đã có thể nắm được các kiến thức & có thể tự tin trong việc nghiên cứu từ khóa cho bất kỳ dự án SEO nào mà bạn đang triển khai.

    Nếu có bất kỳ thắc mắc bạn có thể để lại bình luận ở phía dưới, tôi sẽ giải đáp cho bạn.

    Chúc bạn thành công!!!

    Có thể bạn quan tâm:

    Khám phá nhiều chủ đề khác

    5 1 đánh giá
    Đánh giá bài viết
    Theo dõi
    Thông báo của
    guest

    0 Góp ý
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận